

Bài văn bia ở miếu hai Ông họ Đào tại Cổ Lễ ( tư liệu trong quyển dư địa chí tỉnh Nam Định)
Nền văn hiến ở Nam Giao dưới thời Trần rất là thịnh. Bấy giờ bốn huyện của phủ Xuân Trường đều là nơi gần kinh đô. Cho nên cái nền giáo hoá nhân hậu ưu việt của lễ, nhạc, thi, thư được thấm nhuần sâu hơn ở các lộ khác. Nhân tài từ đó mà sinh ra.
Người nổi danh nhất trong hàng đệ nhất giáp (Trạng nguyên) thì huyện Thượng Nguyên có Nguyễn tiên sinh (Nguyễn Hiền) ở Dương A. Ông là Trạng nguyên khai khoa của cả nước. Lâu hơn ít nữa đến khoa Nhâm Dần niên hiệu Long Khánh thì có Đào Sư Tích ở xã Cổ Lễ lại nối theo, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ ở Thượng Lao cũng đậu đồng bảng. Hai ông đều là nhân vật của hạt Tây Chân cả.
Thực lục của huyện chép: “ông Đào huý Tuyền Phủ, đậu Hoàng giáp là người đã sịnh ra tướng công Đào Sư Tích”.
Trong khoảng 114 năm, các bậc tuấn kiệt trước sau từng lớp nối tiếp nhau mà sinh ra, há không phải do sự giáo hoá sâu dày mà được như thế ư?
Bố ông Đào Sư Tích làm Tri thẩm hình viện sự, công danh sự nghiệp bị bỏ sót không ghi chép lại. Còn tướng công Đào Sư Tích sau khi đậu Trạng nguyên được 8 năm thì được bổ chức Nhập nội đại hành khiển kiêm Hữu ty lang trung, làm quan ở chức Khu yếu. Vua Trần Nghệ Tông làm sách “Bảo Hoà dư bút” đã sai ông làm bài tựa. Về văn học ông được tri ngộ là như thế.
Trong khoảng năm Quang Thái, tên nghịch thần chuyên quyền (chỉ Hồ Quý Ly), ông giữ chính nghĩa không theo hùa nên bị cách chức, nhưng ông không vì thế mà dao động. Về việc giữ tiết lại như thế đấy.
Than ôi! Sự tích của Nguyễn trạng nguyên (Nguyễn Hiền) đã mờ mịt. Ông họ Lê thì lòng son tuẫn theo nước, tấm lòng ông “không phải chiếu, không phải đá”, sách trung nghĩa chép lại còn chói lọi rõ rang. Còn như hai ông họ Đào, con kế cha đậu Trạng nguyên, trước sau chói sáng, thật đã tốt đẹp, trong một gia đình lớn mà tướng công về sau gặp lúc nguy nan vẫn không chịu làm gạch để được vẹn toàn. Thà làm ngọc mà phải tan nát, so với Hiến Phủ đại phu thật không hổ thẹn.
Thế thì nghĩa phương tốt đẹp của đại công, phẩm vọng cao quý của tướng công, há chỉ được tiếng khen là bậc nho hiền của một đời Trần thôi ư ! Kinh Lễ có nói rằng: “Trong nước có bậc tiên hiền thì phải phụng sự”. Như thế không phải chỉ để biểu dương đức sáng đã qua, đạo lành còn dấu, mà còn để làm gương cho thiên hạ đời sau noi theo nữa.
Hai ông họ Nguyễn, họ Lê đều có đền thờ ở làng mình, còn hai ông họ Đào chỉ có người làng hàng năm đến mộ quét tế lễ một lần mà thôi.
Tây Ninh là đất cũ của Tây Chân xưa. Khoảng năm Minh Mệnh triều Nguyễn, vì địa hạt quá rộng nên mới chia làm hai. Bấy giờ văn học đương lúc mở mang, chấn thịnh, đã có người đỗ đại khoa. Các bậc văn thân nghĩ đến dấu thơm xa, cho rằng hai ông họ Đào phải có đền thờ riêng, nên mới đi bày tỏ với quan Thái thú họ Lự và quan Doãn họ Phạm. Hai ông đều nói rằng việc này không phải chỉ là trách nhiệm riêng của các văn thân, mà hai ông đã để ý từ lâu nhưng còn thiếu xót, nay giám đâu lại không đóng góp một phần . Hai ông đã bỏ tiền lương của mình ra đóng góp và kêu gọi mọi người tham gia. Còn các văn thân thì đem tiền bạc góp vào. Những tổng lý, hương hào chuộng nghĩa cũng lấy tiền công đức, không phải thúc giục mà đều là tự nguyện đóng góp. Khi vật liệu đã đủ rồi, quan Doãn họ Phạm thân đến xem xét công việc cho xây dựng ở cánh đồng Ốc Thượng thuộc làng của hai ông họ Đào, chon người đôn đốc. Ngôi đên ba gian quay mặt về hương thôn, gian giữa thờ hai ông Đào, hai gian đông tây thờ Tiến sĩ Dương Bật Trạc và các vị Hương cống của làng.
Bắt đầu từ mùa đông năm Ất Mão khởi công, đến mùa hạ năm nay thì hoàn thành, mới sắm sửa các đồ tự khí và đặt ruộng tự điền, giao cho người trong xã bảo quản.
Hàng năm, đến ngày thanh minh, các văn thân đến quét dọn và cúng tế ở đền. Đến tiết trung thu thì hàng xã tế theo tục cũ. Khoán ước làm xong rồi mới đến nhờ chúng tôi xin bài ký.
Chúng tôi, Ngô Thế Vinh rất phấn khởi nói rằng việc này là việc tốt. Trước đây chúng tôi đã làm bài ký cho đền thờ Trạng nguyên Cổ Da, đã biết trước huyện Chân Ninh cũng sẽ làm việc này. Vì nền khoa bảng của huyện ta, hai ông Đào là mở đầu rồi từ đó gia giáo nho hạnh mới tốt đẹp và thịnh dần lên. Xét lịch sử các bậc tiên hiền của huyện ta, hai ông là người kế tục có công to lớn, việc dựng đền thờ là không thể thiếy được.
Than ôi! Lấy đạo lý chân chính như các ông so với bọ bợm gì, đỏ mỏ (chỉ Hồ Quý Ly). Y có thể cướp được cái âu vàng mười đời mà không thể trốn được búa rìu ngàn thu. Y có thể đè nén ông trong một thời mà không khuất phục được tướng công sau muôn thuở. Một lành một dữ thì quả đã rõ ai sang trọng, ai dơ bẩn rồi.
Từ nay về sau, những người nước ta, hễ ai đến vãn cảnh này đều phải biết đạo làm cha dạy bảo con đứng đắn là thế. Đạo làm con nối tiếp cha hiếu thảo là như thế. Đạo làm tôi trung chính không theo gian tà là như thế. Hễ ai bội nghịch thì gặp điều xấu, tu hành thì được tốt đẹp để biết mà lo mài dũa, không phụ với truyền thống văn hiến . Khiến cho những người chép sử sau này phải khen huyện ta có nhiều bậc quân tử. Đấy há chẳng phải là cái ý chính của hai vị quan phủ, huyện và các bậc văn thân đấy ư? Vậy xin chép vào đây để lưu truyền về sau và có bài minh rằng:
Tại mé sông xã Cổ Lễ có ngôi đền mới,
Cái mô phạm tốt đẹp của hai vị hiền ngày xưa.
Để lại sự nhớ tiếc cho chúng ta,
Kính dâng lễ vật để cầu nhiều phúc.
Những người quân tử sau này,
Chớ quên sự tốt đẹp của những người trước.
Đệ Tam giáp Tiến sĩ người Bái Dương huyện Nam Trực Ngô Thế Vinh kính soạn bài văn bia và bài minh này.